Chú Hai vừa đốt tiền vàng bên mộ vừa nói, không ngẩng đầu:
“Nghe nói xưởng dệt ở trấn đang tuyển công nhân, bao ăn ở, một tháng cũng được tám trăm tệ đấy.”
Tôi siết chặt bàn tay, móng tay cắm sâu vào lòng bàn tay.
Kiếp trước cũng thế — mẹ vừa nhắm mắt, đám họ hàng đã vội vàng sắp đặt cuộc đời tôi.
Lúc đó tôi mới 15 tuổi, ngây thơ không biết gì, cứ tưởng bỏ học đi làm là lựa chọn duy nhất.
“Tiểu Cẩm mới học lớp 9, nghỉ học có sớm quá không?”
Một giọng nói yếu ớt vang lên, là cô họ xa của tôi.
“Con gái học nhiều để làm gì?”
Thím Ba lập tức phản bác.
“Sớm muộn gì cũng đi lấy chồng. Giờ nhà cửa như vậy, cha nằm liệt, ba đứa nhỏ cần ăn học, không làm thì lấy gì nuôi sống?”
Cô họ không nói thêm gì nữa.
Mưa nặng hạt hơn, mái tóc tôi bị ướt dính bết vào trán, như một tấm màn đen che phủ.
Sau tang lễ, họ hàng tụ tập trong căn nhà chưa đầy 30 mét vuông của chúng tôi để ăn cỗ tang.
Tôi lặng lẽ rót trà, dọn dẹp, nghe họ thao thao bất tuyệt:
“Tiểu Cẩm từ nhỏ đã hiểu chuyện, chắc chắn có thể gánh vác được gia đình.”
“Tôi quen tổ trưởng ở xưởng dệt, chỉ cần nói một tiếng là vào làm được.”
“Kiếm tiền sớm cũng tốt, vài năm nữa gả được cho nhà tốt, còn giúp nuôi mấy đứa em.”
Từng câu, từng chữ như d.a.o cứa vào thịt tôi.
Kiếp trước, tôi đã bị những lời này đẩy vào xưởng dệt, từ đó mất luôn cơ hội quay lại trường học.
“Chị ơi, em đói.”
Tô Thiến kéo nhẹ áo tôi, cắt ngang dòng suy nghĩ. Tôi nhìn lên bàn, đám họ hàng đã ăn gần xong, chỉ còn lại vài mẩu thức ăn thừa.
“Đợi chút.”
Tôi đáp hờ hững, khẽ xoa đầu nó, ánh mắt lướt qua căn phòng.
Tô Cường đang lén nhét kẹo vào túi, còn Tô Linh thì trố mắt nhìn chiếc kẹp tóc mới trên đầu con gái của Thím Ba.
Cảnh tượng này quá đỗi quen thuộc.
Kiếp trước, vì thương chúng vừa mất mẹ, tôi nhẫn nhịn mọi thứ — để rồi nuôi ra ba kẻ vong ân phụ nghĩa.
“Tiểu Cẩm, lại đây.”
Chú Hai gọi tôi, tôi bước tới, ngửi thấy mùi khói thuốc nồng nặc trên người ông ta.
“Đây là sổ trợ cấp thương tật của cha con. Mỗi tháng được nhận 120 tệ. Tuần sau con đi làm ở xưởng dệt nhé, nhớ chưa?”
Tôi nhận lấy tờ giấy mỏng, nhẹ giọng nói:
“Con muốn học hết học kỳ này.”
“Học gì nữa!”
Thím Ba gào lên,
“Không biết nhà mình giờ thế nào à? Cha con nằm liệt, ba đứa nhỏ phải ăn, phải học — không làm thì uống gió sống qua ngày chắc?”
Căn phòng lập tức yên lặng. Tất cả đều nhìn tôi.
Kiếp trước, chính trong khoảnh khắc bị dồn ép bởi bao ánh nhìn này, tôi đã rưng rưng nước mắt gật đầu chấp nhận.
“Con sẽ nghĩ cách.”
Tôi ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào mắt Thím Ba.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://www.monkeyd.net.vn/loi-tran-troi-cua-me-la-xieng-xich-cua-cuoc-doi-toi/2.html.]
“Điều mẹ con mong muốn nhất trước khi mất, là con có thể tiếp tục đi học.”
“Đầu óc u mê!”
Thím Ba đập bàn cái “rầm”:
“Con học ai nuôi nhà? Để em con c.h.ế.t đói chắc?”
Tôi cắn chặt môi, không nói lời nào.
Giờ chưa phải lúc đối đầu trực diện — tôi mới mười lăm, cần thời gian để tính toán.
“Thôi, hôm nay tạm gác lại.”
Cô họ lên tiếng hòa giải.
“Để đứa nhỏ nghỉ ngơi, mẹ nó vừa mới mất.”
Khi đám người cuối cùng rời đi, căn nhà hỗn độn. Ba đứa em nhìn tôi chằm chằm, chờ tôi như thường lệ sẽ tự tay dọn dẹp.
“Tô Cường dọn bát, Tô Linh quét nhà, Tô Thiến lau bàn.”
Tôi phân việc ngắn gọn.
“Làm xong mới được ăn.”
“Hả?”
Tô Cường tròn mắt:
“Trước giờ toàn chị làm mà!”
“Trước kia có mẹ.”
Tôi lạnh lùng đáp.
“Giờ thì mọi người đều phải làm.”
Chúng miễn cưỡng bắt tay vào việc, vừa vụng về vừa càu nhàu. Tôi bước vào buồng trong — cha tôi nằm trên giường, ánh mắt trống rỗng nhìn trần nhà.
Kiếp trước, tôi vừa hận ông vì nằm liệt không giúp gì, vừa thương ông mất vợ khi tuổi trung niên. Mãi sau tôi mới biết, ông viết thư pháp rất đẹp.
“Cha.”
Tôi khẽ gọi.
“Cha còn viết được không?”
Ông chậm rãi quay đầu, trong mắt thoáng vẻ ngạc nhiên.
“Tết sắp đến rồi… Con nghĩ… cha có thể viết câu đối bán lấy tiền. Chữ cha rất đẹp.”
Đôi mắt ông sáng lên một chút, rồi lại tối sầm:
“Ai… ai thèm mua chữ của kẻ tàn phế…”
“Phải thử mới biết.”
Tôi lấy ra giấy đỏ và bút lông đã chuẩn bị sẵn.
“Viết vài tờ thử xem ạ?”
Ông run rẩy cầm bút, luyện vài chữ trên giấy báo. Tuy hơi khựng lại nhưng vẫn cứng cáp, nét chữ đều đặn, còn tốt hơn tôi tưởng.
“Rất đẹp.”
Tôi chân thành nói.
“Mai con đi mua thêm giấy đỏ.”
Ra khỏi phòng, ba đứa nhỏ đã dọn dẹp sơ sài, đang vây quanh bàn cơm lựa thức ăn thừa. Tô Linh ăn đến miệng bóng nhẫy, còn Tô Thiến thì rướn người lấy món thịt kho đặt cao.
“Chị ơi, kẹp tóc em hỏng rồi.”
Tô Linh vừa thấy tôi liền than thở:
“Hôm nay em họ Thím Ba đeo cái kẹp mới màu hồng, đẹp lắm!”
Tôi nhìn chiếc kẹp nhựa bạc màu dính trên tóc nó, nhớ lại kiếp trước từng chắt chiu từng đồng để mua cho nó, mà nó đeo đúng hai lần đã chê lỗi mốt.
“Không có tiền mua mới.”
Tôi nói dứt khoát, rồi đi vào bếp hâm lại cơm nguội.