3
Ngày tháng thoi đưa, thu về gặt hái, đông sang tích trữ.
Sáu năm trôi qua, ta đã sớm học thuộc lòng dược điển, cũng tự mình bào chế được thảo dược.
Cha ta tận tình chỉ bảo ta từng vị thuốc nên xử lý thế nào, nhưng lại không cho phép ta tham gia vào việc chế thuốc tuyệt tự.
Cha ta bảo:
“Kiều Kiều à, y thuật của con là để cứu người, đừng có động vào thứ dơ bẩn này.”
Ta vẫn không hiểu, đã dơ bẩn, sao cha còn làm ra thứ này chứ?
Cha bắt đầu cho phép ta chữa bệnh cho dân làng, chữa miễn phí, không lấy tiền khám.
Dân làng hễ trái gió trở trời là lại tìm đến ta, ta gặp gỡ không ít bệnh nhân, y thuật cũng ngày một tiến bộ.
Gặp phải ca nào khó, cha cũng chẳng để ý, còn khuyến khích ta mạnh dạn dùng thuốc.
Ông còn bảo, dù có chữa sai, chữa c.h.ế.t người cũng chẳng sao.
Trong mắt cha, đám dân làng tự tìm đến cửa này chẳng khác nào vật thí nghiệm của ta.
Cha ta thì vẫn cứ bán thuốc tuyệt tự.
Bao nhiêu năm nay, thuốc của cha chỉ bán cho dân trong làng.
Lý chính vì chuyện này mà cảm kích vô cùng:
“Dương đại phu, chuyện này ngài làm đúng quá rồi, chỉ có làng ta mới có loại con gái này, mới bán được giá cao chứ? Nếu đâu đâu cũng toàn là con gái uống thuốc của ngài, thì mấy mụ tú bà lầu xanh còn chịu chi nhiều tiền thế không?”
“Con gái không còn giá trị nữa, mọi người dĩ nhiên sẽ chẳng chịu bỏ giá cao mua thuốc của ngài nữa, ngài nói có phải đạo lý ấy không?”
Cha ta mỉm cười gật đầu, tỏ vẻ tán đồng với lời Lý chính nói.
Dân làng nhờ bán con gái, thậm chí có nhà bán cả vợ mình, cuộc sống bắt đầu khấm khá lên trông thấy.
Ruộng đồng đã sớm bỏ hoang quá nửa, hầu như chẳng còn ai chịu cày cấy nữa.
Ban đầu, vì cuộc sống sung túc hơn, con gái các làng xung quanh đều bằng lòng gả đến làng ta.
Sau này dần dần có lời ra tiếng vào truyền đi, tiếng tăm thật sự chẳng hay ho gì, dần dà, người bằng lòng gả con gái về làng ta ngày càng ít, càng ít đi.
Có những gia đình bắt đầu đi xa mua dâu cho con cháu, có những nhà bán được mấy mụn con gái có tiền, sẽ chọn cách cả nhà chuyển khỏi làng, ra ngoài sinh sống.
Dẫu sao, ai mà muốn mang tiếng xấu như thế chứ?
Mỗi lần cha ta biết tin nhà nào đó muốn chuyển đi, đều sẽ chân thành dặn dò:
“Chuyển đi rồi là phải bắt đầu cuộc sống mới, tuyệt đối đừng nói với ai là mình chuyển đến đâu đấy nhé.”
“Ở đây toàn là họ hàng nghèo khó, để họ biết các người ở đâu, sau này lại đến ăn chực nằm chờ thì khổ.”
“Dù không đến ăn chực nằm chờ, chuyện bán con gái mới có được cuộc sống tốt đẹp này một khi truyền ra ngoài, cũng sẽ bị hàng xóm láng giềng chê cười đấy, con trai con cháu trong nhà, e là vẫn chẳng cưới được vợ đâu!”
Đối phương luôn chăm chú lắng nghe lời cha ta dặn dò, còn không quên nịnh nọt vài câu:
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.net.vn - https://www.monkeyd.net.vn/thuoc-tuyet-tu/chuong-4.html.]
“Dương đại phu đúng là người từ huyện thành về có khác, so với đám dân đen chân đất chúng ta đúng là khác nhau một trời một vực, lời ngài nói lúc nào cũng có lý cả.”
Mỗi lần có nhà nào đó chuẩn bị chuyển đi, cha ta đều sẽ mang theo một vò rượu, đến tiễn đưa người ta.
Còn giúp người ta chuyển nhà nữa.
Những người chuyển đi, không một ai quay về, cũng chẳng ai biết rốt cuộc họ đã chuyển đến nơi nào.
Mỗi lần đưa tiễn nhà nào đó chuyển đi, cha ta đều phải mấy ngày sau mới về.
Có khi một hai ngày, có khi ba bốn ngày, lần nào về cũng là nửa đêm gà gáy.
Trên người còn vương mùi m.á.u tanh nhàn nhạt.
Trong lòng ta có vài suy đoán chẳng lành, nhưng lại không dám hỏi thẳng.
Ta cảm thấy cha ngày càng đáng sợ, sau lưng ông hình như giấu giếm một mặt nào đó mà ta không dám biết.
Lần nào đưa tiễn nhà họ Triệu xong trở về, cha ta cũng đều về nhà vào khoảng nửa đêm.
Lần này mùi m.á.u tanh trên người cha nồng nặc đến mức chẳng thể giấu giếm được, ta giật mình kinh hãi.
Cha bị thương rồi.
Một mảng thịt lớn trên cánh tay cha bị cắn xé, trông không giống vết thương do thú dữ gây ra.
Ta thuần thục xử lý vết thương, cẩn thận băng bó lại, rồi nhìn chăm chăm vào gương mặt mệt mỏi của cha.
Cuối cùng ta cũng hỏi ra câu hỏi luôn canh cánh trong lòng:
“Cha à, rốt cuộc cha đã làm gì vậy?”
“Những người trong thôn chuyển đi, rốt cuộc là đã đi đâu?”
Giọng điệu của ta không được tốt cho lắm, thậm chí còn mang theo chút run rẩy.
Ta sợ hãi, sợ phải nghe được đáp án mà ta không muốn nghe từ miệng cha.
Cha lại nhìn vào đôi mắt và hàng lông mày của ta, buột miệng nói:
“Kiều Kiều, con càng ngày càng giống mẹ con rồi.”
Cha nhìn cánh tay đang được ta băng bó, hiếm khi khen ngợi một câu:
“Y thuật của Kiều Kiều cũng càng ngày càng giỏi, ra ngoài làm lang trung chắc cũng đủ nuôi sống bản thân rồi nhỉ?”
Ta không hiểu ý cha, nhìn cha hỏi lại lần nữa:
“Cha, rốt cuộc cha đã làm những gì chứ?!”
Cha xoa đầu ta, cười khà khà:
“Kiều Kiều cuối cùng cũng đã lớn rồi!”
“Kiều Kiều, đừng nóng vội, cha sẽ nói cho con biết, đợi thời cơ đến, cha sẽ kể hết cho con nghe.”